Trữ đông sữa mẹ là phương pháp rất nhiều bà mẹ trẻ bày nhau cách làm để bảo quản sữa mẹ sau khi vắt được lâu hơn và giữ lại được trọn vẹn giá trị dinh dưỡng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cùng mẹ bảo quản và cách sử dụng sữa mẹ trữ đông “chuẩn nhất”.
1. Sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu?
Cũng giống như thực phẩm bình thường, sữa mẹ sau khi được vắt ra sẽ bị vi khuẩn xâm lấn trong một thời gian nhất định tùy thuộc vào điều kiện môi trường bảo quản.
– Nhiệt độ phòng (16 – 25 độ C): sữa mẹ nên được sử dụng trong khoảng 4 – 6h sau khi vắt ra
– Tủ lạnh ngăn mát (4 độ C): có thể sử dụng trong vòng 3 – 5 ngày
– Tủ đông (< âm 18 độ C): có thể bảo quản trong 6 – 9 tháng
– Đối với sữa mẹ rã đông, có thể để ở nhiệt độ phòng thêm 2h hoặc để trong ngăn mát thêm khoảng 24h nữa
2. Hướng dẫn cách trữ đông sữa mẹ đã vắt ra
Mẹ cần chuẩn bị 1 số dụng cụ sau: túi trữ sữa có chia vạch, bình trữ sữa, bút lông
– Chia lượng sữa mẹ được vắt ra vào các túi nhỏ, phù hợp với lượng sữa bé ăn mỗi bữa hoặc mỗi ngày.
– Đóng khóa túi zip, ghi giờ, ngày, tháng, năm bảo quản sữa. Nếu mẹ gửi bé đi nhà trẻ thì nên ghi thêm tên con để tránh nhầm lẫn
– Sắp xếp khoa học trong tủ đông nếu mẹ trữ nhiều để đảm bảo sử dụng tuần tự theo thời gian lưu trữ. Mẹ có thể dùng khay trữ riêng cho mỗi lần bảo quản hoặc sắp xếp theo thứ tự thời gian tăng dần.
3. Cách sử dụng sữa mẹ trữ đông
Sữa mẹ trữ đông sử dụng như thế nào để đảm bảo giữ được hương vị, dinh dưỡng mà không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ? Có 1 số cách sử dụng sữa mẹ đông lạnh như sau:
Sữa mẹ trữ đông
Trước khi cho bé sử dụng 1 ngày, mẹ hãy lấy sữa mẹ trữ đông bỏ xuống ngăn mát tủ lạnh để loại bỏ đi lớp băng. Lưu ý nhỏ, hãy lấy theo thứ tự thời gian, túi nào được bảo quản trước nên sử dụng trước. Sau khi sữa đã hoàn toàn chuyển sang dạng lỏng, mẹ có thể lắc nhẹ rồi cho sữa ra bình, hâm trong máy hâm sữa ở nhiệt độ 40 độ C, như vậy là bé có thể sử dụng được rồi.
Sữa mẹ bảo quản trong ngăn mát
Với sữa mẹ bảo quản trong ngăn mát, mẹ chỉ cần cho sữa vào bình, hâm trong máy hâm sữa hoặc nước ấm với mức nhiệt khoảng 40 độ C trong khoảng 3 – 5 phút là bé đã có sữa ấm để sử dụng.
4. Những lưu ý quan trọng khi dùng sữa mẹ trữ đông
– Không nên rã đông sữa mẹ đông lạnh ở nhiệt độ phòng: đối với sữa mẹ đã được làm đông, nếu rã đông ở nhiệt độ phòng sẽ mất khoảng 3 – 6h để sữa về trạng thái lỏng. Trong thời gian này có thể sữa mẹ đã bị vi khuẩn xâm lấn. Vậy nên mẹ tuyệt đối không rã đông sữa trong nhiệt độ phòng.
– Không rã đông cấp tốc bằng nước nóng hay các dụng cụ làm nóng: sữa mẹ khi đang trong trạng thái đông đá nếu được đun cách thủy hoặc quay trong lò vi sóng vì có thể sẽ phá hủy vitamin, kháng thể thiết yếu trong sữa, khiến sữa mẹ mất đi 1 phần chất đạm và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
– Không dùng sữa mẹ rã đông thừa: sữa mẹ sau khi rã đông và hâm nóng để con sử dụng, trường hợp nếu bé dùng không hết, mẹ không nên dùng lại sau 2 tiếng nếu để trong nhiệt độ phòng hoặc sau 24h nếu được bảo quản lại trong ngăn mát. Sữa dư sẽ không dồn chung với sữa mới để bảo quản lại.
5. Một số dấu hiệu nhận biết sữa mẹ đã bị hỏng
Gia tài của nhiều mẹ là 1 tủ sữa cho con đủ ăn trong nhiều tháng, điều này có thể dẫn đến việc bảo quản sữa chưa tốt, đặc biệt là sữa quá ngày sử dụng. Có 1 số dấu hiệu nhận biết sữa mẹ trữ đông đã bị hỏng mẹ nên biết
Sữa có mùi chua
Sữa mẹ bình thường có màu trắng ngà và mùi thơm. Nếu sau khi rã đông hoặc hâm nóng sữa mẹ đã trữ, nếu nhận thấy sữa có mùi chua hoặc mùi lạ bất thường thì mẹ nên bỏ, không nên cho bé sử dụng sữa đó nữa.
Sữa bị nổi váng
Trong thành phần của sữa mẹ có hàm lượng chất béo không nhỏ, do vậy việc sữa nổi váng là điều bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý là khi lắc đều bình thấy lớp váng hòa cùng với sữa nghĩa là chất lượng sữa vẫn tốt, mẹ có thể đem đi hấp cách thủy rồi chờ sữa ấm là có thể cho bé dùng bình thường. Ngược lại nếu thấy váng trôi nổi trên bề mặt, dù lắc vẫn tách biệt hẳn với lớp sữa thì rất có thể sữa mẹ đã bị hư hỏng quá hạn, nên loại bỏ không nên cho bé bú nữa.
Sữa có mùi vị lạ
Ngoài cách nhận biết sữa mẹ rã đông có bị hỏng hay không qua mùi và lớp váng, mẹ cũng có thể nếm thử để biết vị sữa có biến đổi hay xuất hiện vị lạ không nhé. Nếu ở điều kiện bình thường, sữa mẹ sẽ có mùi thơm đặc trưng hơi béo ngậy, vị nhạt, không quá mặn hay ngọt. Nếu nếm thấy có vị khác lạ (vị tanh, chua, mùi hôi khó chịu..) thì có thể sữa đã bị hỏng, dinh dưỡng trong sữa không còn được đảm bảo.
Áp dụng phương pháp trữ đông sữa mẹ sẽ giúp tiết kiệm được 1 lượng sữa mẹ rất lớn và bé cũng có sữa mẹ sử dụng trong thời gian dài. Bắt tay vào trữ sữa ngay thôi mẹ nhé!