Sữa mẹ là nguồn thực phẩm tuyệt vời của trẻ nhỏ đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời. Trẻ chỉ cần bú mẹ đầy đủ trong giai đoạn này đã có thể phát triển đầy đủ về cân nặng, chiều cao và trí não. Vậy thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ có những gì? Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ở nhiệt độ phòng trong bao lâu thì mất chất?
1. Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ
Theo nghiên cứu từ việc phân tách sữa mẹ, trong sữa có đầy đủ các chất như đạm, bột đường, vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng cần cho sự phát triển của trẻ. Hàm lượng sữa mẹ sẽ thích ứng với nhu cầu trong từng giai đoạn của bé. Sữa mẹ được tiết ra trong 4 – 5 ngày sau sinh được gọi là sữa non. Đây là sữa hiếm, có hàm lượng chất kháng thể đặc biệt, kích thể cơ thể trẻ tạo ra hệ miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh. Sữa được tiết ra trong ngày thứ 6 – 10 sau sinh được gọi là sữa chuyển tiếp và sữa tính từ ngày thứ 11 trở đi được gọi là sữa trưởng thành.
Trong 100ml sữa mẹ sẽ có khoảng 65 calo; 6,7g carbohydrate; 3,8g chất béo và 1,3g protein. Hàm lượng chất béo có thể dao động từ 2g – 5g/100ml tùy vào chế độ dinh dưỡng từ người mẹ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp bổ sung các thực phẩm lợi sữa sau sinh giúp mẹ có nhiều sữa cho con.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những mẹo nhỏ dân gian gọi sữa về nhanh chóng
2. Bảo quản sữa mẹ trong nhiệt độ phòng được bao lâu?
Với thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ như trên, việc bảo quản để giữ trọn vẹn giá trị dinh dưỡng cũng giống như bảo quản thực phẩm. Nếu để quá lâu ở nhiệt độ thường, vi khuẩn sẽ bắt đầu sinh sôi trong sữa.
– Ở điều kiện nhiệt độ phòng từ 16 – 25 độ C: thời gian sử dụng sữa an toàn trong khoảng 4 – 6h
– Bảo quản trong tủ mát khoảng 4 độ C: thời gian sử dụng an toàn trong khoảng 3 – 5 ngày
– Bảo quản trong tủ đông dưới âm 18 độ C: thời gian sử dụng từ 3 – 6 tháng
3. Cách bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng
Hầu hết các mẹ đều lựa chọn phương pháp trữ đông sữa mẹ đã vắt để có thể giữ được sữa lâu nhất cho con dùng. Tuy vậy vẫn có những trường hợp bất đắc dĩ mẹ phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng như khi nhà chưa có tủ đông, khi mất điện hay khi bé ty dở rồi bỏ lại 1 ít sữa trong bình.
Với trường hợp bé ty dở và để dư sữa, mẹ nên để bình sữa ở nơi khô ráo, tránh nơi ẩm thấp. Trong vòng 1h nên hâm lại sữa và cho bé ty hết để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa trong bình.
Trường hợp mẹ vắt sữa xong nhưng mất điện hoặc được thông báo mất điện trong thời gian dài. Lúc này mẹ có thể sử dụng nước đá, đá viên để bảo quản sữa. Thời gian đá viên hoặc nước đá có thể giữ được sữa mẹ trong khoảng 24h.
4. Những lưu ý khi bảo quản sữa mẹ sau khi vắt
– Luôn tiệt trùng dụng cụ trữ sữa và hút sữa: vấn đề vệ sinh dụng cụ luôn được đặt ra hàng đầu. Trước khi bắt đầu vắt sữa, hãy vệ sinh, tiệt trùng phễu hút, bình chứa, túi trữ sữa trong máy tiệt trùng. Cả tay và bầu ngực của mẹ cũng cần được vệ sinh sạch sẽ
– Lượng sữa nên trữ bao nhiêu: việc mẹ có thể hút ra lượng sữa bao nhiêu là tùy vào mỗi người. Tuy nhiên nếu có thể hãy hút ra lượng sữa nhiều nhất mẹ có thể bảo quản. Sau khi đã hút đủ sữa, hãy chia nhỏ sang các túi trữ sữa hoặc bình trữ sữa khoảng 60ml – 100ml/túi tương ứng với lượng sữa bé ăn trong 1 bữa.
– Không nên cho sữa mới vắt vào cùng sữa mẹ trữ đông trước đó: thời gian “sản xuất” của 2 loại sữa khác nhau nên “hạn sử dụng” cũng sẽ khác nhau. Nên mẹ tuyệt đối không trộn sữa vừa vắt vào sữa đã trữ đông trước đó.
– Đối với sữa đã rã đông nên cho bé dùng hết trong ngày, không trữ đông lại với sữa này nữa.
Việc vắt sữa và bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ở nhiệt độ phòng là điều không hề đơn giản. Lời khuyên dành cho mẹ là hãy trang bị 1 chiếc tủ lạnh rộng rãi chút xíu hoặc dành riêng cho con 1 ngăn tủ để lưu trữ gia tài. Như vậy sữa mẹ sẽ bảo quản được lâu và nhiều hơn.