Cũng giống như ty mẹ, bú bình là điều mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Việc tập cho con bú bình với nhiều mẹ là điều cực kỳ khó khăn, không phải bé nào cũng hợp tác ngay từ đầu. Để tập cho trẻ bú bình hiệu quả, mẹ cần phải rèn cho con ngay từ khi bé còn nhỏ xíu và kiên trì từng ngày.
1. Tại sao cần tập cho con bú bình?
Bú sữa mẹ là điều mà các bác sĩ nhi khoa vẫn luôn khuyến cáo sản phụ ngay sau khi sinh hãy cho con bú mẹ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên có 1 số trường hợp bất đắc dĩ phải tập cho trẻ bú bình.
– Mẹ chưa về sữa: với những trường hợp sinh non hoặc 1 2 ngày đầu tiên sau sinh nhiều sản phụ sẽ chưa có sữa về ngay cho con bú. Lúc này mẹ cần phải cho con uống sữa công thức hoặc sữa mẹ từ ngân hàng sữa thông qua bình sữa.
– Với trường hợp bé bị dị tật vành môi, sứt môi, hở hàm ếch, ty mẹ khó khăn thì việc cần 1 loại bình chuyên dụng cho con là điều cần thiết
– Khi mẹ gặp vấn đề về sức khỏe và bé không thể bú mẹ trực tiếp thì cần nhanh chóng cho con làm quen với bú bình
– Khi lượng sữa mẹ không còn đủ cho con, bé cần thêm năng lượng từ sữa công thức, thời điểm này bé cũng cần đến bú bình
2. Khi nào nên tập cho trẻ thói quen bú bình?
Có 1 số mẹ truyền tai nhau rằng nên tập cho trẻ bú bình càng sớm càng tốt, lúc đó con chưa phân biệt được ty mẹ hay ty giả. Tuy nhiên việc cho con ty bình từ sớm có thể dẫn đến con bỏ ty mẹ, ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa mẹ.
Nếu bé không phải trường hợp đặc biệt, có thể bú mẹ bình thường thì đến khoảng tuần thứ 6 trở đi mẹ hãy tập cho con bú bình.
3. Hướng dẫn mẹ cách giúp trẻ bú bình nhanh chóng
Trước hết cách tập cho trẻ bú bình đúng là hãy để con làm quen với bình sữa và núm ty như 1 món đồ chơi. Chọn cho bé 1 chiếc bình sữa ngộ nghĩnh và cho con tập ngậm núm ty bình
Lần đầu tiên con ty bình mẹ chỉ nên cho vào bình sữa khoảng 50ml sữa mẹ đã vắt sẵn. Lần đầu ngậm vào núm ty bé có thể đẩy ra hoặc quay mặt đi nhưng mẹ hãy kiên trì thử lại nhiều lần, bé sẽ bắt đầu ngậm và mút, động tác như khi ty mẹ.
Thời gian đầu, mẹ nên tập cho con ty bình với sữa mẹ vắt sẵn sau đó khi con đã quen với cách bú bình, mẹ mới cho con làm quen với sữa công thức
Có nhiều mẹ chia sẻ lại kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình rằng mẹ nên để cho bố hoặc bà của bé làm điều này thay vì mẹ. Nếu mẹ ở cạnh, bé có thói quen tìm đến ty mẹ mà không chịu ty bình. Bé sẽ dễ hợp tác hơn vào thời điểm ban ngày, khi đang chơi vui. Ban đêm mẹ vẫn nên duy trì cho con ty mẹ
4. Cho trẻ nằm bú bình có sao không?
Trong các tư thế bú mẹ của trẻ, nằm bú là tư thế được các con khá yêu thích. Vậy khi bú bình, mẹ cho con nằm bú liệu có sao không?
Có thể mẹ cũng đã nghe đến việc bé bú bình dễ bị viêm tai giữa hơn các bé bú mẹ. Theo cơ sở khoa học thì chưa có đơn vị nào xác nhận thông tin này. Có 1 vài nghiên cứu chỉ ra rằng vấn đề trẻ bị viêm tai giữa nằm ở tư thế bú bình của bé. Những bé thường xuyên nằm bú có tỉ lệ mắc chứng viêm tai cao hơn. Khi bé nằm bú, sữa sẽ chảy vào phía sau cổ họng sau đó chảy xuống các ống Eustachian và giữa tai. Ở đây vi khuẩn sẽ sinh sôi gây chứng viêm tai ở trẻ.
Tư thế cho bé nằm bú bình đúng
Mẹ hãy ôm bé trong lòng, cánh tay làm điểm tựa cho đầu – lưng – mông của con, tay còn lại giữ bình sữa đảm bảo lượng sữa sẵn sàng khi con ngậm núm ty và mút.
Kết thúc 1 cữ bú, mẹ hãy đặt bé ngồi hoặc đứng trên đùi mẹ, vuốt vuốt phần lưng bé đến khi bé ợ nhẹ để loại bỏ đi không khí khi ty bình mang theo
5. Một số nguyên tắc khi tập cho con bú bình
– Vệ sinh sạch sẽ bình sữa, núm ty và các dụng cụ pha sữa, trữ sữa, hâm sữa
– Kiểm tra nhiệt độ sữa và dốc ngược bình sữa để chắc chắn núm ty và nắp bình vẫn hoạt động tốt
– Luôn giữ núm ty đầy sữa khi con đang ty bình
– Không để con bú bình 1 mình
– Sau mỗi lần con bú bình sẽ vỗ ợ hơi cho con
– Nếu con không muốn bú thêm, tuyệt đối không ép
– Phần sữa thừa không nên cho con dùng lại nếu đã để quá 2h
Kinh nghiệm tập cho trẻ bú bình trên đây mà mayvatsuame.com chia sẻ hy vọng hữu ích cho các mẹ.