Câu hỏi: “Chào admin! Em mới sinh bé được hơn 2 tháng mà ít sữa nên phải cho con ty ngoài để ăn thêm. Sau 1 thời gian sử dụng em thấy núm vú sần sùi, xuất hiện đốm trắng, nổi mụn nước. Em muốn hỏi núm vú dùng bao lâu thì thay? Bình sữa sau bao lâu nên thay thì tốt nhất?
1. Bình sữa, núm vú dùng bao lâu thì thay?
Bao lâu nên thay bình sữa?
Hầu hết ba mẹ khi chọn mua bình sữa cho trẻ sơ sinh đều lựa bình có dung tích nhỏ khoảng từ 120ml – 160ml và núm vú size S dành cho con từ 0 – 3 tháng tuổi. Bình sữa nên được thay thế sau khoảng 4 – 6 tháng sử dụng để lựa chọn bình dung tích lớn hơn từ 240ml – 330ml phù hợp với nhu cầu ăn của con. Hoặc mẹ cần thay thế bình sữa ngay khi bình có các dấu hiệu như sau:
– Bình sữa ngả màu vàng, mẹ dễ gặp ở bình thân mềm, có phần thân được làm từ nhựa dẻo hoặc silicone như bình Comotomo, Mamachi
– Bình sữa bị biến dạng, có vết nứt hoặc trầy xước
– Vạch chia sữa trên thân bình bị mờ, không rõ
– Bình sữa có mùi bất thường, vệ sinh bằng nước rửa bình và tiệt trùng nhưng không hết
Bao lâu nên thay núm vú bình sữa?
Ngoài việc chọn đúng loại núm vú nào tốt cho trẻ sơ sinh, mẹ cũng cần để ý đến việc thay mới núm vú thường xuyên. Núm vú là vật dụng thường xuyên tiếp xúc với trẻ nên việc vi khuẩn bám vào núm ty không được làm sạch sẽ rất nguy hiểm. Theo các chuyên gia chuyên khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em, núm vú nên được thay thế sau 1 – 2 tháng sử dụng. Hoặc mẹ nên thay thế khi núm vú có các dấu hiệu như sau:
– Sữa chảy thành dòng khi dốc xuống: núm vú hoạt động bình thường khi dốc ngược sẽ chảy sữa qua tia nhỏ, trường hợp núm vú chảy thành dòng lớn chứng tỏ tia sữa đang quá lớn so với con. Điều này có thể sẽ làm con sặc sữa khi ty bình.
– Núm vú đổi màu, núm vú xuất hiện đốm trắng: thường gặp ở núm vú silicone đã sử dụng quá lâu. Mẹ nên thay núm này cho bé ngay nhé!
– Núm vú mỏng đi, dính lại hoặc phồng ra: vấn đề này thường gặp ở núm vú cao su. Nếu mẹ đang sử dụng núm cao su thì nên thay thế bằng núm silicone để đảm bảo sức khỏe cho con
– Núm vú nổi hạt đen, sần sùi, tiết dịch có mùi hôi: cũng là vấn đề núm vú đã xuống cấp và đã lâu không được thay thế
– Núm vú xuất hiện đốm trắng, có mụn nước: có thể trong quá trình vệ sinh và bảo quản đã làm núm vú bị ẩm, hấp hơi dẫn đến xuất hiện vi khuẩn nấm mốc.
– Núm vú bị rách, thủng: nhiều con có thói quen nghiến lợi khi ty sẽ làm núm vú dễ bị rách, thủng, biến dạng. Với trường hợp này mẹ cũng nên thay núm cho bé luôn nhé!
2. Vệ sinh bình sữa, núm vú thế nào đúng cách
Cũng giống như phụ kiện máy hút sữa, bình sữa, núm vú mẹ cần vệ sinh, tiệt trùng mỗi khi bé dùng xong và ngay trước khi cho con sử dụng.
Vệ sinh bình sữa, núm vú khi con vừa ty xong
– Bước 1: Loại bỏ sữa dư trong bình (nếu có), tháo rời nắp bình, núm vú và tay cầm bình sữa (nếu có)
– Bước 2: Cho các dụng cụ vào chậu nước sạch, nhỏ vài giọt nước rửa bình sữa vào để vệ sinh
– Bước 3: vệ sinh núm vú, dùng cọ rửa núm ty đã có nước rửa bình, vệ sinh nhẹ nhàng mọi ngóc ngách núm ty.
– Bước 4: Dùng cọ rửa bình sữa dạng lông mềm, vệ sinh phía trong bình sữa và phần khớp nối, tiếp theo vệ sinh các phần còn lại bằng bọt biển
– Bước 5: Rửa lại với nước sạch và để ráo phụ kiện trên giá úp
Tiệt trùng bình sữa, núm vú cho bé trước khi sử dụng
Tiệt trùng bình sữa, núm vú là công đoạn bắt buộc trước khi ba mẹ pha sữa cho con. Có 1 số cách tiệt trùng bình sữa như sau:
Tiệt trùng bình sữa bằng phương pháp đun sôi
Đây là phương pháp truyền thống nhất, mẹ cần lưu ý về độ chịu nhiệt của các vật dụng như bình sữa, núm ty, … có chịu được nhiệt cao hay không nhé!
– Chuẩn bị 1 nồi lớn đủ để đựng tất cả các phụ kiện bình sữa, đổ đầy nước và cho phụ kiện vào. Đảm bảo phụ kiện bình sữa không chạm đáy nồi. Đối với bình thủy tinh, mẹ nên cân nhắc việc luộc trong nước sôi có thể làm nứt bình.
– Bật bếp và đun sôi trong khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Dùng kẹp gắp phụ kiện ra và để ráo trên giá úp hoặc đưa vào máy sấy để sấy khô
Nhược điểm của phương pháp này là làm giảm tuổi thọ của bình sữa và núm vú
Tiệt trùng bình sữa bằng hơi nước – máy tiệt trùng bình sữa
Đây là phương pháp được nhiều bà mẹ hiện đại lựa chọn, lý do đơn giản vì tiện lợi, nhanh gọn và chi phí cũng không quá đắt. Chỉ khoảng 200 – 300 ngàn đồng mẹ đã có 1 chiếc máy tiệt trùng kèm hâm bình sữa rồi.
– Cho các dụng cụ cần tiệt trùng vào thân máy, đổ lượng nước theo quy định của nhà sản xuất
– Bật nhiệt độ ở mức 100 độ C, đến khi máy ngắt là mẹ đã có bình sữa tiệt trùng cho bé rồi
– Sấy khô trong máy sấy hoặc để khô tự nhiên ở nơi thoáng mát
Tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng
Phương pháp này không phải loại bình sữa nào cũng sử dụng được mẹ nhé!
– Tháo rời các phụ kiện bình sữa và làm sạch như đã hướng dẫn ở trên
– Cho 1 lượng nước lọc vào bình sữa, khoảng ½ bình rồi đặt giữa lò vi sóng, bật lò trong khoảng 90s rồi bỏ ra
– Các phụ kiện khác cho vào bát nước, đặt giữa lò vi sóng rồi cũng tiệt trùng trong khoảng 90s.
Với câu hỏi “núm vú dùng bao lâu thì thay” của mẹ ở trên, núm vú bình sữa đã có dấu hiệu sắp hỏng, mẹ nên thay thế núm vú mới cho bé sử dụng mẹ nhé!